Di sản Huldrych_Zwingli

Huldrych Zwingli, tranh khắc gỗ của Hans Asper (ca. 1499 – 1571)

Zwingli là nhà nhân văn và là một học giả có nhiều bằng hữu và môn sinh. Ông tiếp xúc thân thiện với mọi tín hữu trong giáo đoàn cũng dễ dàng như khi ông hội kiến với các nhà lãnh đạo như Philip xứ Hesse.[75] Thanh danh của ông như là một nhà cải cách nghiêm nghị và điềm tĩnh được quân bình bởi sự nhạy cảm của ông về tính hài hước và khả năng sử dụng các câu chuyện ngụ ngôn trào phúng, ngôn từ hóm hỉnh và châm chọc trong các tác phẩm của ông.[76] So với Luther, Zwingli quan tâm nhiều hơn về các nghĩa vụ xã hội, cũng như thực tâm tin rằng dân chúng sẽ chấp nhận một chính thể được soi dẫn bởi lời của Thiên Chúa.[77] Zwingli kiên tâm cổ xúy cho các hoạt động trợ giúp người nghèo, ông tin rằng họ là những người cần được cộng đồng Cơ Đốc chăm sóc.[78]

Tháng 12 năm 1531, hội đồng thành phố chọn Heinrich Bullinger làm người kế nhiệm Zwingli. Ngay lập tức Bullinger làm sáng tỏ những nghi ngờ về tính chính thống của Zwingli cũng như bảo vệ hình ảnh của Zwingli như là một nhà tiên tri và người tử đạo. Dưới thời Bullinger, sự phân hóa tôn giáo trong liên bang càng sâu đậm hơn.[79] Ông tập hợp các thành phố và tiểu bang cải cách, giúp họ phục hồi sau thất bại ở Kappel. Zwingli đã khởi phát và định hình cuộc cải cách, Bullinger củng cố và cải tiến nó.[80]

Ở bên ngoài Thụy Sĩ không có giáo hội nào xem Zwingli là nhà sáng lập của mình. Mặc dù thần học Zwingli được xem là tuyên cáo đầu tiên của nền thần học Cải cách,[81] tư tưởng Zwingli chưa hề được phổ biến rộng rãi.[82]

Trong khi có rất nhiều thông tin liên quan đến các nền thần học của Martin Luther, John Calvin, và các nhà cải cách khác, thì những hiểu biết có được về Zwingli là tương đối ít. Vì cớ Zwingli sống cùng thời với Luther, và vì Zwingli từ bỏ cuộc sống tu trì theo đức tin Công giáo vài năm sau Luther, cuộc đời và sự nghiệp của Zwingli bị phủ bóng bởi Luther và Calvin trong những đóng góp dành cho cuộc cải cách.

Một lý do khác giải thích sự mờ nhạt của Zwingli là do những bất đồng của ông đối với nền thần học Luther. Một số người tin rằng những dị biệt thần học này là do những người viết sử và những người cực đoan, có thiện cảm với quan điểm thần học của Luther, đã thêm thắt vào nhằm áp chế nền thần học Zwingli. Họ tin rằng "phe thắng thế trong lịch sử là phe viết lịch sử"; trong khi "những người phía bên kia" hoặc bị lãng quên hoặc bị đàn áp.

Tuy nhiên, nhiều người xem Zwingli xứng đáng với danh hiệu "Nhân vật thứ ba của cuộc Cải cách Kháng Cách", sau Martin LutherJohn Calvin.[83]